Ma Thổi Đèn và Đạo Mộ Bút Ký (Giới thiệu, So sánh và Nhận xét)

Rảnh quá nên viết review cho hai bộ tiểu thuyết về đào mộ nổi tiếng nhất Trung Quốc . . .

.

.

Nói đến đào mộ, ai cũng nghĩ là xúc hết đất lên, mở quan tài ra, chôm tiền, rồi ù té chạy. Ừ thì chắc là cũng có chuyện như vậy, nhưng trong hai bộ truyện này thì không. Nói đến cương thi, ai cũng nghĩ đến mấy con nhảy nhảy tưng tưng trên phim. Ừ thì chắc là cũng có vài con như thế, nhưng trong hai bộ truyện này thì không. Nói đến hầm mộ bí mật, ai cũng nghĩ là đầy bọ cạp với hố cát giống mấy phim xác ướp ai cập. Ừ thì cũng có vài con bọ với hố nọ hố kia, nhưng trong hai bộ truyện này thì những thứ đó không hề đơn giản chỉ là bọ và hố.

Nói đến tột cùng, trong truyện rốt cuộc là có cái gì a!!!?

Là có mấy pha hài hước, mấy pha lượn vài vòng trước Quỷ Môn Quan (địa ngục theo quan niệm của người Trung), hồi hộp kịch tính, mang đậm màu sắc văn hoá Trung Quốc, có những chi tiết dựa trên số liệu có thật trong lịch sử. Và thay vì xét vào thể loại kinh dị như chính tác giả hay nhà xuất bản đã cộp mác cho hai bộ truyện, thì mình thích để là trinh thám hơn. Rõ ràng là đào mộ cổ, nhưng cứ như là điều tra, tìm hiểu những sự kiện kinh hoàng đã xảy ra trong lịch sử vậy. Và một phần còn là xác thực những truyền thuyết cổ xa xưa.

Trộm mộ chẳng phải việc tham quan ngắm cảnh, chẳng phải ngâm thơ đối câu, chẳng phải thêu hoa dệt vóc, không thể nhã nhặn kiệm nhường, không thể ung dung nhàn tản, chẳng thể tuần tự theo tôn ti “thiên địa quân thân sư”. Trộm mộ là một thứ kỹ thuật, một thứ kỹ thuật phá hoại. Tự thuở xưa, khi các quý tộc xây dựng lăng mộ, ắt đã tìm đủ mọi cách để phòng ngừa trộm cắp, vậy nên hẳn là có bao nhiêu thủ đoạn cũng dùng hết cả rồi, trong mộ thường sắp đặt đủ loại cạm bẫy ám khí, . . . Bài toán dành cho những kẻ trộm mộ thời bấy giờ là phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế phá giải những cạm bẫy đó, để vào mộ tìm kiếm báu vật.

Thôi, vào vấn đề chính!

Ma Thổi Đèn 

Ma thoi den 3_Than cung Con Luan

Tác giả : Thiên Hạ Bá Xướng (tên thật là Trương Mục Dã)

Tóm tắt nội dung (tự viết) : Hồ Bát Nhất cùng với người anh em tốt Vương Khải Tuyền (Tuyền Béo) sinh ra trong thời loạn, ở Trung Quốc xảy ra chiến tranh, còn có cách mạng văn hoá. Thời đó, thanh niên có ba lựa chọn: nhập ngũ, ở lại thành phố làm công nhân hoặc lên vùng núi hoặc về quê lao động. Hai người Hồ Bát Nhất và Tuyền Béo đều là gia đình bị đấu tố, không có người chạy cửa sau (ý là đút lót ý mà) nên bị điều lên vùng hẻo lánh lao động. Ở nơi khỉ ho cò gáy này, tuy không có điện cáp, dân thì mù tri thức, nhưng điều kỳ lạ là trong nhà dân có rất nhiều đồ cổ quý hiếm! Trong một lần vào khe Lạt Ma tìm một cô bạn bị lạc, Hồ Bát Nhất lần đầu tiên tiếp xúc với mộ cổ và ma quỷ. Chỉ tiếc là anh không biết, để rồi sau này, núi Tim Trâu ở khe Lạt Ma do địa chấn mà nứt ra, dân làng tìm thấy mộ cổ cùng với bao nhiêu báu vật.

Sau đó, Hồ Bát Nhất được chú họ hàng xa quen biết gì đó giúp đỡ, anh nhập ngũ. Trong một lần làm nhiệm vụ ở trên núi Côn Luân, cả đội gặp một loại sinh vật kỳ quái, từng người từng người chết đi. Hồ Bát Nhất cùng vài người thoát chết, chui vào một khe núi tránh tuyết lở, tưởng không còn hy vọng ra ngoài nữa thì anh chợt nhận ra đây là lối vào một ngôi mộ cổ. Vốn dĩ anh nhận ra vì anh được ông nội truyền lại cho quyển “Thập Lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật”, nhưng tiếc rằng sách chỉ có một nửa, nửa còn lại không biết ở đâu. Nhận ra mộ cổ ở Côn Luân, anh thầm ước tính kiểu dáng, đường đi trong ngôi mộ, rồi dẫn những người còn sống sót ra ngoài an toàn.

Trung Quốc tới thời bình, Hồ Bát Nhất rời quân ngũ, hội ngộ với người anh em Tuyền Béo. Cả hai trầy trật bán băng cát xét kiếm tiền sống qua ngày. Lại một hôm, tình cờ gặp tên bán đồ cổ Răng Vàng, hắn rất thoải mái tám chuyện với hai người, còn tặng hai người bùa mô kim (bùa của những mô kim hiệu uý – những người đào mộ để trừ tà). Dòng đời xô đẩy, hai người quyết định dấn thân vào nghề đào mộ, đầu tiên là quay về vùng hẻo lánh họ từng lao động ở đó, đi vào Hắc Phong Khẩu, Dã Nhân Câu, từ đó cuộc hành trình bắt đầu . . .

À mà không, cuộc hành trình thực sự bắt đầu khi họ theo một đoàn khảo cổ tìm tới thành cổ Tinh Tuyệt, gặp Shirley Dương – một nữ triệu phú hoa kiều, cũng là cháu ngoại của một tay trộm mộ lẫy lừng. Sau này, cô là người cung cấp trang thiết bị cho Hồ Bát Nhất và Tuyền Béo, và cũng theo hai người họ khám phá những bí ẩn dưới những ngôi mộ, bí ẩn về chính bản thân mình, và còn nửa quyển sách còn lại . . .

 

Đạo Mộ Bút Ký

a46631c306c47b630cf47722

 

Tác giả : Nam Phái Tam Thúc (tên thật là Từ Lỗi)

Tóm tắt nội dung (tự viết nốt) : Ngô Tà được cha để cho một cửa tiệm đồ cổ nhỏ, đủ sống. Ông nội cậu từng là người trộm mộ, bây giờ trong gia đình cậu chỉ còn chú Ba còn làm công việc đó, thỉnh thoảng vẫn gọi cậu đến mua đồ tốt. Một hôm có một lão Răng Vàng đến muốn bán lại một bản sao văn tự cổ, cậu từ chối nhưng vẫn sao lại một mẫu để xem. Câu từ ý nghĩa không có vấn đề gì nhưng cứ có điểm kỳ quái, không hợp lý, không thể nói rõ. Cậu mang cho chú Ba xem thử, ông chú đốp ngay cho một câu “Đây là một cái bản đồ mộ cổ!”. Và thế là cậu bé hiếu kỳ đi theo chú trộm mộ . . .

Lần đó, cậu gặp Trương Khởi Linh, cậu toàn gọi anh ta là Muộn Du Bình (kẻ câm điếc) tại vì anh ta chả nói gì cũng chả có biểu hiện gì, và ở đây cậu cũng gặp Bàn Tử, sau này trở thành người anh em tốt của cậu. Trải qua bao nhiêu chuyện kỳ quái trong mộ cổ, ma quỷ có, người hi sinh cũng có, cuối cùng cũng lấy được bảo vật. Bàn Tử cáo từ bọn họ, đi mua bán đồ cổ gì đó. Cứ tưởng mọi chuyện đã kết thúc thì thân phận của Muộn Du Bình lại làm tất cả nghi hoặc. Trong một bức ảnh cũ của chú ba khoảng mười năm trước, trong đoàn đi khảo cổ có một người giống y hệt Muộn Du Bình, giống y hệt đến nỗi nhìn không trẻ hơn cũng chẳng già hơn, nói chính là, Muộn Du Bình hoàn toàn không già đi!

Chú Ba cầm ngọc bội hình con cá – bảo vật lấy ở mộ cổ, đột nhiên nghĩ ra gì đó, biến mất biệt tăm biệt tích. Một tháng sau, có tin tức thuyền của chú Ba thuê không trở về, Ngô Tà bèn đi tìm. Cậu tình cờ gặp Muộn Du Bình đã dịch dung (giả trang) thành người khác khiến cậu còn chả nhận ra, rồi gặp thuyền ma, rồi mộ cổ dưới nước, và gặp lại cả Bàn Tử. Ba người họ chính thức bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình, không chỉ trộm mộ mà còn là giải mã quá khứ của Muộn Du Bình – một quá khứ mà anh cũng không nhớ ra. . .

                                                                                 

Đấy, đại loại là thế !

Nhận xét và so sánh ngoài lề

(mang ý kiến chủ quan thôi)

.

Cả hai truyện đều thuộc thể loại đâm đầu vào đọc là nghiền, không dứt ra được :(

Tuy cùng nói về trộm mộ nhưng lại có rất nhiều điểm khác nhau.

Trộm mộ cũng chia làm hai phe : phương Bắc và phương Nam. Phương Bắc thì thiên về quy củ, nguyên tắc. Ví dụ như khi trộm mộ thì mang theo móng lừa đen, gạo sống để trừ tà ma; trước khi tiến vào mộ thường thả động vật xuống trước xem không khí có độc không; khi vào mộ thì thắp một ngọn đèn ở phía Đông Nam, đèn tắt tức là ma quỷ tới (vậy mới có tựa để Ma Thổi Đèn). Dân trộm mộ phương Bắc xưng là Mô kim hiêu uý (mô kim tức là mò vàng). Phương Nam thì chỉ hành động, thấy mộ là đào, thấy đồ là lấy, cũng không tin mấy thứ bùa trừ tà ma, lấy đồ đi cũng không có vái lậy chủ mộ, xưng nguyên văn là ‘người trộm mộ’. Phương Bắc chê phương Nam thô lỗ, phương Nam chê phương Bắc cầu kì, bày vẽ. Từ xưa hai bên vốn kị nhau, nhưng những người sau này thì không còn phân ra Nam với Bắc nữa, học tập những cái tốt của nhau.

Cũng rất dễ để nhận ra những điểm của hai phe này trong hai bộ truyện. Hồ Bát Nhất trong Ma Thổi Đèn theo lối phương Bắc, Ngô Tà cùng chú Ba trong Đạo Mộ Bút Ký theo lối phương Nam, à mà còn cu cậu Bàn Tử trong Đạo Mộ theo phương Bắc nữa.

“Phương Nam có Tam Thúc, phương Bắc có Quỷ Đạo, Bá Xướng”

Ầy, theo mình thì cái cách viết hình như cũng bị ảnh hưởng bởi hai chiều Bắc – Nam này. Đạo Mộ Bút Ký của Nam Phái Tam Thúc (ồ, nghe cái tên đã thấy phương Nam rồi =.=), cách vào truyện cũng như tiến trình trong chuyện có thể nói là nhanh hơn so với Ma Thổi Đèn, kiểu độp một phát là vào thẳng vấn đề chính, bí mật, quỷ và trộm mộ! Còn Ma Thổi Đèn thì cứ nhẹ nhàng, từ từ, kể rành rõi chuyện nọ rồi đến chuyện kia, sau mới chính thức cho anh nhân vật chính tiếp xúc với nghề trộm mộ, nhưng cái không khí trộm mộ vẫn không thoát ly mà xuyên suốt câu chuyện. Cứ so sánh hai cái phần tóm tắt nội dung ở trên là rõ! Khác hẳn nhau luôn!

Mà kể ra cũng có một đống điểm trùng hợp đến đáng sợ . . .

Cả hai tác giả đều dùng bút danh khác tên thật khi xuất bản truyện.

Thiên Hạ Bá Xướng và Nam Phái Tam Thúc đều vốn không phải nhà văn chuyên nghiệp, trước đây đều từng làm qua rất nhiều nghề, sau rồi đều làm ăn kinh doanh buôn bán. Ma Thổi Đèn và Đạo Mộ Bút Ký đều đồng thời được bắt đầu sáng tác và đăng lên mạng Trung Quốc năm 2006 !!? Trùng hợp như vậy sao?

Nhân vật chính kể lại câu chuyên, xưng là “tôi”, giống như tác giả trực tiếp hoá thân vào nhân vật mà trải qua tất cả những chuyện đó. Ông của nhân vật chính đều có liên quan tới trộm mộ. Trong cả hai truyện đều có một nhân vật béo, thân với nhân vật “tôi”, trong Ma Thổi Đèn là Tuyền Béo, trong Đạo Mộ là Bàn Tử!!!! Ma Thổi Đèn gồm 8 quyển thì Đạo Mộ 9 quyển, thế cũng tính là có tí xấp xỉ . . .

Này, có khi nào hai ông này trong cái quá trình “trước đây từng làm qua rất nhiều nghề” đấy, đi trộm mộ với nhau, xong tích vốn làm kinh doanh, rảnh rỗi ngồi ôn chuyện cũ viết ra cái đống này không !? Có khi nào hai ông này có gian tình gì với nhau không !!!? Ách. . . Đùa thôi . . .

.

Kể ra thì, Đạo Mộ Bút Ký bây giờ được yêu thích nhiều hơn một chút so với Ma Thổi Đèn

Tại sao nói vậy ?

Lên google search là biết liền. Tìm Ma Thổi Đèn thì nó sẽ ra mấy cái thông tin sách, download ebook, và mấy cái đại loại thế. Tìm Đạo Mộ thì ra thông tin sách, wordpress dịch truyện, fandom, fanfic, fanart, fanvid, doujinshi, cosplay, kịch truyền thanh, page facebook, . .

Tại sao lại thế ?

Ma Thổi Đèn được xuất bản năm 2009, đến giờ mới xuất bản 7/8 quyển. Tính ra thì hồi đấy cũng có nhiều người đọc thể loại này, nhưng không nhiều như bây giờ. Ngay căn bản như mình năm 2009 chắc chỉ có ngồi nhà chơi game, bảo đọc sách chắc là mò được mấy quyển ngôn tình ngồi đọc cho mở rộng tầm mắt đã là kỳ tích lắm rồi. Hơn nữa Ma Thổi Đèn, viết theo lời kể của nhân vật “tôi” của Hồ Bá Nhất, là một quân nhân, cũng được tính là một người từng trải, cộng với bối cảnh câu chuyện là Trung Quốc mới bình loạn, văn phong chịu ảnh hưởng rất nhiều, phóng khoáng, mộc mạc, chân thực, thỉnh thoảng còn trích mấy đoạn thơ hay văn của Mao Trạch Đông nữa. Hồi 2009 xuất bản tại Việt Nam, dòng trẻ con như mình hồi đó chắc chắn là sẽ không thích cách viết này bằng mấy cái huyền huyễn, hài kịch khác, văn phong khá kén con gái đọc. Nhưng ví như mấy thằng anh họ mình lại rất thích đọc, còn nằm mơ mình là Hồ Bá Nhất, hôm sau chạy đi cưới tỷ phú Shirley Dương =.=. Mà bây giờ thì khác rồi, thời đại văn hoá mở cửa, nam nữ cứ đâm đầu vào đọc trộm mộ là nghiền ngay ý mà.

Đạo Mộ Bút Ký mới được bên Bách Việt mua bản quyển tháng 7 năm ngoái, dự là ngồi dịch còn dài, Ma Thổi Đèn 8 tập còn chưa xuất bản xong, huống chi Đạo Mộ tương cho tận 9 tập. Nhưng mọi người lại biết về Đạo Mộ nhiều hơn Ma Thổi Đèn. Căn bản là vì edit truyện trên mạng bây giờ là cực kỳ phổ biến, nhà sách chưa kịp chạy đi mua bản quyền, các editor đã dịch xong chính truyện kèm với ngoại truyện hết trơn rồi. Hơn nữa Đạo Mộ Bút Kỳ có thể nói là có rất nhiều hint đam mỹ, cả nguyên một dàn “nam quốc sơn hà, nam đế cư”, nên lượng fangirl hoặc cũng có thể là fanboy của bộ truyện này là rất nhiều. Fangirl mà, cả Việt lẫn Trung, trí tưởng tượng cùng tài năng YY là vô hạn, bảo làm sao fanfic nhiều, fanart nhiều, fanvid nhiều, cosplay nhiều, . . . nhiều . . . nhiều thiệt là nhiều . . . Lại nói đến hint đam mỹ, vốn tác giả bảo đây không phải đam mỹ nhưng mà đã bị người đọc cộp mác là ‘đam mỹ thanh thuỷ văn’ rồi. Mà nếu đã xét sang đam mỹ, thì Đạo Mộ cũng đạt đến cấp độ cao rồi, vừa có ngốc-nghếch-mắc-cười thụ – Ngô Tà, lạnh-lùng-phúc-hắc-đã-bất-tử -được-mấy-trăm-tuổi công – Muộn Du Bình, vừa có chân tình, vừa có ngược tâm, vừa có HE (nghe thiên hạ đồn thế)

Cũng do một phần là bây giờ truyện xuất bản ra toàn theo kiểu tràn lan đại trà, kiếm truyện hay thì toàn kiếm truyện dịch trên mạng cho nhanh, đỡ mất tiền mua mà ít nhất thì nó còn đỡ đại trà hơn cái kiểu xuất bản truyện hiện giờ. Vậy nên hàng đã xuất bản như Ma Thổi Đèn cũng một phần không phổ biến với người đọc bằng Đạo Mộ Bút Ký

Chốt cuối, đối với những người quen cầm sách đọc thì Ma Thổi Đèn quen thuộc hơn, còn với dân quen đọc truyện trên mạng hơn thì là Đạo Mộ.

Có lẽ vậy . . .

50 thoughts on “Ma Thổi Đèn và Đạo Mộ Bút Ký (Giới thiệu, So sánh và Nhận xét)

  1. Cảm ơn bạn về bài viết, chưa đọc Ma Thổi Đèn nên đọc tóm tắt của bạn thấy rất thú vị :v

    Btw, về Đạo mộ bút ký thì có chút nhầm lẫn.
    1. Lão Răng Vàng ko đến bán bản dập. Lão vác bản dập sách lụa cổ Chiến Quốc lão kiếm đc đến tiệm của Ngô Tà mục đích ngoài mặt là nhờ cậu check hàng thật hay giả, mục đích thật sự là muốn xem bản dập cuốn sách lụa cổ ông nội Ngô Tà đào được. Ngô Tà ko đáp ứng nên lão bỏ đi.
    2. Ngô Tà ko ko mua nhưng vẫn sao lại bản dập của lão Răng Vàng. Vốn là lão tức khí bỏ đi vô tình để quên bản dập, và Ngô Tà thấy thú vị nên đã chụp ảnh lại.
    3. Bức ảnh chú Ba, Tiểu Ca và đoàn khảo cổ cách đây 20 năm rồi.
    Ngoài ra ĐMBK là có 8 quyển, 9 phần, ko phải 9 quyển nhé :v

    Còn về bạn so sánh ĐMBK nổi tiếng hơn trên mạng, hút ng đọc hơn MTĐ. Đoạn đấy cứ bựa bựa thế nào ấy. Bài viết của bạn, chỉ qua cái cách tóm tắt sai ĐMBK làm mình thấy bạn có tý khinh bộ này và nâng cao MTĐ.

    Về việc ĐMBK chưa xuất bản mà đã dịch xong hết truyện chính lẫn ngoại truyện trên mạng? Bạn lại nhầm. Bộ này mới dịch xong 2 quyển đầu và một đoạn đại kết cục ở quyển 8 thôi. Chờ NXB ko nổi, ko có đk mua sách thì cứ qt mà chiến.
    Bạn cũng nói trùng hợp kỳ lạ 2 bộ cùng bắt đầu từ năm 2006 nhưng đến 2009 MTĐ đã bắt đầu đc xuất bản ở VN trong khi ĐMBK mãi đến năm nay mới thấy rậm rịch đc xuất bản, thế con ng ta ko dichh trên mạng thì ai đc đọc mà kêu MTĐ trên mạng ko thế này thế kia.

    Mình chưa đọc MTĐ nên ko dám nói nhưng với kiểu lăng xê cách viết chậm rãi, rõ ràng, phóng khoáng, mộc mạc, chân thực xyz gì đấy của MTĐ, thì mình lại thấy có ng nhận xét MTĐ cách viết khiên cưỡng, nhân vật cứng nhắc ấy, bạn muốn nói gì ko?

    Dù sao cũng cám ơn bài viết của bạn. Đi đọc MTĐ thôi *tung tăng*

    À mình cũng mê đọc sách xb hơn là chúi mắt vào máy tính hay đt. Và nhịn ăn uống một thời gian dành tiền mua sách cũng ok nhưng ko có đk nên cứ phải cắm mắt vào đt thôi :<

    • Ây, mình đọc đạo mộ lâu lâu xong mới qua đọc ma thổi đèn nên quên một cơ số khá lớn tình tiết truyện -_- *tạ tội tạ tội*. Mà mình đâu có chê ĐMBK đâu :(( Mình còn bấn NgôTà nữa mà. Mình không lăng xê gì MTĐ mà chỉ nhận xét mang tính trực quan thôi, ĐMBK hay vì nó căng thẳng, kịch tính, trực tiếp đi luôn vào tình tiết, kiểu BỘP một phát là vào trong mộ rồi đổ đấu luôn ý, nhịp truyện nhanh mà đan xen có những khoảng nhẹ. Còn MTĐ thì chậm rãi, rõ ràng, tả đến từng con kiến con bọ, chân thực, có chất lính cách mạng (hơi dị hợm) trong đấy. Cái nào cũng có điểm hay riêng, chỉ là ĐMBK hiện tại mà nói thì trên mạng phổ biến hơn, người đọc sách thì biết MTĐ nhiều hơn, mình chỉ muốn nói về điều đấy, không có ý bên trọng bên khinh đâu :(

      Btw, sao Bách Việt kêu cuối tháng 9 ra đạo mộ mà không có thấy a ;_______; *khóc ròng*

      • Mình nghĩ bạn Cung Di cho rằng chủ nhà khinh Đạo mộ vì bạn đi qua chi tiết nội dung của Đạo mộ hời hợt hơn một chút so với Quỷ xuy đăng (có đôi chỗ thiếu chính xác) Và cái bí mật của Đạo mộ vốn là lớn hơn so với giới thiệu trên của bạn rất nhiều :) Mình thích Đạo mộ hơn, nói thẳng ra chính là vì cốt truyện và bí ẩn về chung cực.

        Nhưng mình không nghĩ bạn nhất bên trọng nhất bên khinh. Cũng bởi Quỷ xuy đăng giờ đã được xuất bản đến tập chót, dễ dàng đọc kỹ qua từng tình tiết truyện, nhưng Đạo mộ bây giờ mới ra lò quyển đầu đã chịu ném đá vì lỗi dịch thuật, đúng như bạn nói, đa số người đọc và biết đến Đạo mộ là qua bản edit trên mạng, nội dung cũng chưa lộ ra hết, thế nên đọc giả nào đã đi qua Quỷ xuy đăng, dù có yêu mến Đạo mộ thế nào thì vẫn rành rọt hơn hẳn về nội dung của bộ mà mình đã được đọc hết rồi, từ đó chắc cảm tình dành cho truyện cũng có chỗ khác…

        Bởi vậy, dám mà so sánh một cách khách quan giữa hai bộ này xem ra không phải dễ. Nhưng mình rất thích sự tinh ý của bạn dành cho hai bác Tam Thúc và Bá Xướng =)) Mình thì sau khi đọc Quỷ xuy đăng, có cảm giác mạch truyện chảy dài và chậm rãi hơn so với Đạo mộ, nhưng không phải là không lôi cuốn, mình có cảm giác Bá Xướng sở hữu một kho kiến thức khá dã man về đổ đấu, tạo nên sức hấp dẫn cho truyện.

        Cơ mà mình còn trẻ, còn hám trai =)) nên mình chung thuỷ với dàn khoét đất bên Đạo mộ hơn.

      • Hai ông bác ý rõ ràng có vấn đề gì đó với nhau mà ~ Kiểu đọc truyện ý, cứ cái lần nào mà có cả dân hai bên Nam và Bắc gặp nhau là y như rằng đầu óc mình “Hồi trước 2 ông này rõ ràng là gặp nhau mà! Rõ ràng đi đổ đấu với nhau! Có gian thương gian tình gì đó mà! Tìm hint trong truyện làm gì! Nhìn 2 ông chú tác gia kìa! Ôi ~” =))

        Tiện thể than thở : Tại sao BV vẫn chưa thu hồi sách mà dịch lại đi T_____T Mà bên Nhã Nam cũng dịch là xẻng đào đất mà sao ra được từ thuổng hay vầy ta @.@ . .

  2. Cho mình hỏi tí, vậy văn phong 2 bộ như thế nào hả bạn? Mình chưa có đọc Ma thổi đèn, down ebook về rồi nhưng mà tận 7 quyển, Đạo mộ thì có 3 quyển thôi nên đang luyện Đạo mộ bút ký trước, ngồi đọc cười ko luôn, phải nói là văn phong rất vui. Phong cách Ma thổi đèn có vậy ko bạn? Mình đọc nhận xét của bạn thì hiểu là giọng văn chậm hơn, cụ thể hơn, cũng từ tốn hơn, nhưng có vui vẻ như Đạo mộ ko?

    Xin lỗi làm phiền nhé ^^

  3. hì, tự dưng mò được nhà bạn thấy so sánh 2 bộ nên mình cũng nhào zô góp zui! :D mình thấy bộ Ma Thổi Đèn hay mà hài hơn bộ ĐMBK chứ, cái hài kiểu chất lính ấy, duyên ơi là duyên, nhiều đoạn đọc cười bò ra, cả nhân vật phản diện cũng cute ko kém, chứ bộ ĐMBK mình đọc cứ thấy…teen teen thế nào ấy! mà mình thấy đúng là đọc Ma Thổi Đèn phải kiên nhẫn thật, truyện lê thê từ thời ông nội mấy chục năm cơ mà :)) nên ĐMBK đọc nhanh hơn, phù hợp vs người thiếu kiên nhẫn. Còn vụ fanart, fanfic thì mình thấy MTĐ cũng có đó, có điều ko nhìu bằng ĐMBK, dù sao thì câu truyện của mấy ông lính già ( quá 3 xập) làm sao hút fangirl bằng các bạn trẻ (có thể đẹp trai) hint bay tùm lum đc :)), cơ mà bù lại fanfic của các ông chú già thì đầu tư ghê người, công phu bằng 1 bộ truyện thật rồi còn gì, nói chung là bên chất lượng bên số lượng khó phân :), riêng vụ cosplay thì các ông chú thua thiệt thiệt, mình tìm toét mắt mà ko có :)) khổ thân các chú :(

    • Mình thích cả 2 truyện luôn :x Ngôn ngữ teen thì do ổng Nam Phái Tam Thúc, với cả thời điểm trong truyện hình như tiến hơn so với MTĐ thì phải. Ôi MTĐ, ôi cái thời còn thờ ông lùn béo Mao Trạch, đọc phát cười, đi đào mộ quật mả mà toàn lôi ý chí cách mạng oai hùng kiểu ta đây oách lắm =)))) Công nhận là mấy ông lính già bựa thật :))
      P/s: Mà vẫn muốn bên Nhã Nam bắt tay vào xuất bản ĐMBK chứ không muốn Bách Việt đâu :((((( Nhã Nam dịch chắc tay chết đi được :x mà chắc bận rộn MTĐ ~ Ầy ~

      • ừ mình cũng thấy Nhã Nam dịch hay hơn, hài mà vẫn chất. Bên Bách Việt dịch không hiểu sao đọc còn chán hơn bản edit :( điển hình là bộ Tướng quân ở trên ta ở dưới.
        Bạn đọc Tặc miêu vs Mê tông chi quốc chưa? bộ Mê tông chi quốc đc làm thành game rùi ấy, hay mà dài rùng rợn luôn, đọc vật vã mới thấy bắt đầu vào nội dung chính =..= về nội dung thì phong phú khỏi phải nói, từ hồi xem xong tập 1 mình ko bao giờ dám ăn ốc luộc ngoài hàng nữa vì quá ghê người :D

      • Tặc Miêu thì muốn kiếm sách về đọc mà lùng không có thấy ;____;
        Mê tông chi quốc cũng chưa đọc vì còn chưa ngâm xong MTĐ cơ =)) Ơ mà sao tập 1 có trùng ốc hay quỷ ốc gì mà không dám ăn :-s ôi món mình thích :((

      • Bạn đặt sách trên Tiki ấy, lúc nào chả có. Mê tông chi quốc có đoạn đỉa nữ hoàng đẻ trứng zô não người ký sinh, rồi đoạn thằng nhỏ ăn nhiều ốc luộc quá, bị sán vs giun bám zô ruột, ăn lên tận não, đang chạy tự nhiên cái đầu rớt ra, nhìn zô trong đầu toàn giòi sán! híc, mình kể lại thui mà cũng thấy sởn da gà >__<
        P/s: bạn đúng là tri kỉ của mềnh, mềnh thích thể loại đào mộ, phiêu lưu thám hiểm này lắm lun á mà sao ngoài đời ko kiếm đc ai để thổ lộ. Bạn bè mình vừa nhắc đến mấy bộ này là xua đuổi mình lun ;_____;

      • Trồi ôi, hồi kiếm tặc miêu khổ ơi là khổ TT___TT Lùng 1 đống nhà sách hổng thấy, hỏi vài nơi bảo có thì kiểm tra lại toàn hết hàng. Uất quá lên mạng đặt online, vinabook tiki đủ kiểu, toàn hết hàng :(( Xong kiếm được một chị ở HN bán lại cho thì cuối cùng chị ý nghĩ lại kiểu gì không bán lại nữa :(( Mà truyện của Bá Xướng, không cầm sách đọc không sướng gì hết chơn á >o<
        Mà, may mà trong đám bạn có một con mê kinh dị, ma quỷ giống mình, lúc nó biết mình dấn thân vào đọc MTĐ, nó chỉ hận đôi ta gặp nhau quá muộn màng =))))))

      • Thôi cố kiềm chế bản thân không vui sướng quá. Nhỡ có làm sao còn không hụt hẫng :))
        Mà dàn diễn viên đẹp chứ :(( ôi dồi ôi, mỗi tội chưa chính thức, còn “đang đàm phán” :((

  4. Tặc miêu của Thiên Hạ Bá Xướng phải hem bạn? ko nhớ là xuất bản năm nào cơ mà mình đã đọc vào năm 2012, bên Fahasha có bán đấy bạn. Quyển rất thú vị, nhất là đêm khuya thanh vắng, đang đọc truyện mà nghe tiếng mèo kêu… rợn hết người.
    Nói về Ma Thổi đèn thì mình đã đọc hết 6 quyển, còn 2 quyển cuối chờ hoài, đợi mãi mà chưa thấy sách đến tay. văn phong của Xướng ca hay nha, có những đoạn đối đáp giữa Vương Khải Tuyền với Hồ Bát Nhất buồn cười ko chịu được, tình tiết trong MTD cũng hấp dẫn, mình sợ nhất là phần kể về ổ rắn có totem hình con mắt giữa trán ấy, đêm mình ko dám thò chân xuống giường luôn, sợ thật. nhưng sách của Xướng ca khá kén người đọc vì chất truyện từ từ mới vào trọng điểm, miêu tả kỹ từ ngọn cỏ đến bầu rượu…nói chung là đọc đi sẽ rõ. he he.
    Nói về Đạo mộ bút ký mình cùng đang luyện đây, nhai ko nổi sách bên Bách Việt nên tìm trêm các wp để đọc. có cảm giác sách của Phái ca hợp với lứa tuổi thanh niên hơn, chả hiểu sao đọc truyện mà cứ soi hint của dàn nhân vật trong truyện. Phái ca miêu tả những cảnh chiến đấu với ma quỷ rất đặc sắc, đọc hấp dẫn. bên cạnh đó có truyện tranh về DMBK nên người đọc dễ bị ấn tượng bởi truyện tranh như tiểu ca đạp dzai ngời ngời nè, tiểu Tà ngố ngố nè.
    Túm lại cả 2 truyện đều đáng đọc,nhưng mình sẽ mua sách của Bách Việt đâu, Muộn Du Bình mà dịch thành Bình kín miêng, Thiên Chân Vô Tà biến thành hồn nhiên như cô tiên. thật muốn khóc….
    đây là ý kiến riêng của cá nhân mình, mong được cùng các bạn 8 hen

    • Ui mình mới đọc hết quyển 2 MTĐ, đang học căng quá chả dám đọc tiếp không lại bị cuốn theo, đếch quay về tu bổ cái sự học được :)) Ầy ~ Học gì thì học, chắc mai vẫn phải lết xác ra Fahasha lùng Tặc Miêu thôi :x Công nhận là truyện của Bá Xướng kén người đọc thật, nhưng một khi đã đọc được, đố mà dứt ra luôn ý -_-
      Lại nhắc vụ dịch ĐMBK của BV =))))) Hồi nó chưa ra thấy BV hứa lên hứa xuống, rồi dời lịch xb, xong lại còn thi thiết kế bìa, làm mình trông mong nó sẽ chau chuốt và ổn lắm =.= Ai ngờ . . . May mà chưa kịp mua. Lên mạng hóng tin tức thì toàn người mua về để bắt lỗi chỉ điểm, để ngồi cười =)) Người chưa từng đọc bản dịch trên mạng, xem sách thì chê lên chê xuống truyện, mà buồn hơn là đánh đồng thể loại truyện đạo mộ luôn :( Ầy

  5. Đọc 2 truyện đạo mô với ma thổi đèn rùi, mình cá nhân thích truyện đạo mô hơn hăn, tuy nhiên chưa bết tại sao ngô ta với tiểu ca lại thích nhau, khó hiểu quá hix hix, đọc phần cuối thấy buồn quá

    • chuyện Ngô Tà với Tiểu Ca là một cặp là do các bạn đọc gán ghép thôi. Chính truyện thì (theo tác giả nói) không phải là đam mỹ. Tình cảm (kiểu bằng hữu, huynh đệ) của hai người trong truyện rất khăng khít, sâu đậm nên được ghép đôi thôi
      Truyện cũng khai thác sâu vào mối liên hệ giữa hai anh mà :)) Thấy người ta gọi là đam mỹ trá hình hay gì gì khác đó, nhưng mà đừng quan tâm, đọc và nghĩ như thế nào là do mỗi người mà. Mình nghĩ kể cả không phải Ngô Tà với Tiểu Ca yêu nhau thì truyện vẫn hay

  6. Hơn nữa Ma Thổi Đèn, viết theo lời kể của nhân vật “tôi” của Hồ Bá Nhất, là một quân nhân, cũng được tính là một người từng trải, cộng với bối cảnh câu chuyện là Trung Quốc mới bình loạn, văn phong chịu ảnh hưởng rất nhiều, phóng khoáng, mộc mạc, chân thực, thỉnh thoảng còn trích mấy đoạn thơ hay văn của Mao Trạch Đông nữa. Hồi 2009 xuất bản tại Việt Nam, dòng trẻ con như mình hồi đó chắc chắn là sẽ không thích cách viết này bằng mấy cái huyền huyễn, hài kịch khác, văn phong khá kén con gái đọc.

    Rất thích đoạn này của anh :).
    Em còn một thắc mắc nhỏ: cả 2 truyện đều có nhân vật Răng Vàng ngoại hình cũng khá tương đồng nữa, có lẽ nào ????

  7. Đọc đc 2 phần ĐMBK rồi , cảm giác đọc mà k có sự lôi cuốn 1 cách từ từ khiến mình có cảm giác thèm thức cả đêm để đọc như hồi đọc MTĐ.Suy nghĩ cá nhân của mình thì ngay từ phần đầu ĐMBK đã có ý chê bai MTĐ rồi ,Có lẽ MTĐ đi sâu về các thuật Phong thủy , những quy tắc đạo mộ và nhiều đoạn liên quan đến cách mạng , mao trạch đông quá nên có thể nhiều bạn ko khoái.Nhưng công nhận bác THBX k hiểu lấy ở đâu ra mà lắm cái kiến thức đổ đấu thế nhỉ?nghĩ lại mà lại thấy thèm đọc lại rồi .

    • bạn nói chuẩn! cảm giác cầm trên tay được 1 tập Ma Thổi Đen mới xuất bản mà xướng tê người.
      DMKB sự liên kết nhân vật với thể loại truyện không phù hợp lắm. Nhưng đọc cũng không đến lỗi phù hợp với con gái. Chứ mình không mê truyện kiểu biến thái này

      • bạn đã đọc ĐMBK chưa mà nói vậy, cái gì là sự liên kết nhân vật không phù hợp với thể loại, rồi biến thái nữa. cái đạm mỹ chỉ là do fan quá yêu thích nên mới chế ra như vậy chứ trong truyện không hề có cái gọi là đạm mỹ, mà cho dù có thì cũng không đến mức gọi là biến thái đâu bạn. chưa đọc thì đừng có mà phát biểu lung tung

      • Mình là con gái nhưng lại thích MTĐ hơn nè, đọc ĐMBK cứ sao sao, chẳng hợp lý tý nào, cứ đọc vô là buồn ngủ, chẳng hiểu nổi, còn MTĐ đọc say sưa không biết thời gian.

    • Chuyện chê bai cả trong hai cuốn đều có, phái này chê phái kia, mình thích cái cách Thiên hạ bá xướng viết, diễn giải tỉ mỉ, trong truyện anh cũng có giải thích trường phái Nam Bắc vốn vẫn thuwongf coi thường nhau, là do các phải từ xa xưa cũng thế. Còn THBX viết thâm sâu như vậy là do đã phải lăn lộn làm nhiều nghề trước khi viết sách, vốn kiến thức rộng, hiểu biết sâu,là do được tiếp xúc với nhiều người, được đi nhiều, nghe nhiều, vậy nên mới hấp dẫn. mình nghĩ dân nghiền sách đa phần đều thích MTĐ hơn, theo cảm quan thấy mấy cuốn cuối viết hơi vội vàng hơn mấy cuốn đầu.

  8. Cảm ơn bạn đã viết bài này. Hiện giờ mình đang phân vân, không biết nên đọc truyện nào trước. Mình muốn hỏi truyện nào có lồng nhiều thông tin, kiến thức hơn? Truyện nào tình tiết logic và chân thực hơn? Mình thích truyện có kết cấu chặt chẽ, không có kiểu plot đầu voi đuôi chuột :)).Cảm ơn bạn nhiều.

    • Á á, cái này thì mình chịu thôi. Mình nghĩ, mỗi người một gu khác nhau, hơn nữa lựa chọn đối với bản thân dù hay hay dở đều mang đến những trải nghiệm thú vị riêng ;)
      Hai truyện là hai phong cách hoàn toàn khác nhau luôn á, chung là chung cái chủ đề đào mộ thôi, bạn chọn cái nào cũng được. Mình thì đọc Đạo mộ bút ký trước, sau đó mới tìm đến Ma Thổi Đèn, nhưng Ma Thổi Đèn mình theo lâu hơn, một phần cũng vì nó được dịch sắp hết rồi \m/ yay

  9. Mình muốn “nghe” Ma Thổi Đèn xong mới qua ĐMBK, Vì trong MTĐ có những phần nói về Âm Dương phong thủy rất huyền bí, giải thích chi tiết, nhất là đoạn tranh cãi trên núi của 2 người nào đó về phong thủy (quên tên :D), rồi mấy pha liên quan tới dịch số, thuật số gì nữa ;)). ko biết bên ĐMBK có ko?…

  10. MTĐ theo mình ưu diểm là một bộ truyện tích lũy được nhiều kiến thức , trí tưởng tượng phong phú , kết cấu cũng có chặt chẽ ,khai thác được rõ tính chất phiêu lưu , là cảm hứng sáng tác cho dòng đạo mộ . Khuyết điểm là dài dòng , có quá nhiều tình tiết thừa , hài hước ko đúng lúc làm giảm sức hấp dẫn của cậu truyện , văn phong có phần tự phụ , nhân vật thiếu cá tính , trí tượng tượng quá phong phú và gắn quá nhiều truyền thuyết vào 1 tập tạo cho mình cảm giác ngộp , thừa và làm giảm sức đặc biệt của sự kiện trong quá trình đi đến trọng tâm .
    Dù một số người cho rằng văn phong chi tiết , có đầu có đuôi , nhưng khi vào mạch truyện thì lại khá dồn dập sự kiện . Dù giọng văn mang đậm tính cách mạng TQ nhưng cột truyện chịu ảnh hưởng rất nhiều phong cách Phương Tây .
    DMBK , Ưu điểm là xây dựng nhân vật khá hay và chặt chẽ , hài hước ít mà lại vừa khít , nội dung khiến người đọc phải bám riết vì tác giả đã khơi dậy tính tò mò của độc giả qua cách xây dựng nhân vật , lối hành văn hiện đại , và mình thích cách dịch của NXB , những chỗ mà một số bạn cho là lỗi mình lại thấy hay vì tạo cảm giác thuần việt gần gũi . Nội dung xoáy vào trọng tâm một cách có chủ đích . Không cần quá nhiều sự kiện mà vẫn lôi cuốn . Văn phong diễn đạt phóng khoáng nên phù hợp với giới trẻ hơn . Nhân văn hơn MTĐ .
    Khuyết điểm , NXB dịch quá lâu , 1 năm rồi mà còn chưa ra nổi tập 2 , ko biết mò cái gì , truyện cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ MTĐ , chính vì nó khác hoàn toàn MTĐ nên mình mới dám nhận định như thế , vì là bộ truyện ra sau nên tác giả đã xây dựng phong cách gần như trái ngược hoàn toàn với MTĐ ( chỉ có bị ảnh hưởng mới thực sự thoát khỏi ảnh hưởng ) . Vẫn có một số tình tiết thừa và kém hợp lý .

  11. Thấy có mấy bạn xàm xàm thế nào, truyện nào cũng có cái hay riêng của nó, cái dở riêng của nó, mấy bạn cứ nhảy vào bảo MTD là nhất, phải ly kì như vậy hay DMBK hay hơn, văn phong tốt hơn này nọ lọ chai, thế xin cho hỏi mấy bạn đó đã coi hết cả 2 bộ chưa vậy ạ?

  12. Ma thổi đèn: nội dung logic nhưng dài dòng. Chuyện tiền nong, thuê mướn, kiếm chác rất logic.
    Đạo Mộ Bút Ký: không logic cho lắm, những nhân vật đi đổ đấu, lần nào cũng thấy thua lỗ, không được tí tẹo tiền nào. Cảm giác cái ông Ngô Tà và Chú Ba rất là nhiều tiền, không quan tâm xem mỗi lần đi đổ đấu kiếm được bao nhiêu toàn lỗ vốn, cảm giác hộ có rất nhiều tiền rất vô lý.

  13. mình chưa đọc MTD , nhưng đang đọc đạo mộ bút ký , mình có cái tật hay đọc một nửa rồi bỏ , nhưng truyện DMBK minh đọc trên mạng đến tập 5 rồi . Mình thích cách hành văn của đạo mộ bút ký , tuy có hơi kinh dị nhưng cũng rất vui vẻ nữa. Với mình thì có vui vẻ một chút sẽ tốt hơn , thư giãn hơn một chút , sẽ hấp dẫn hơn là đọc truyện mà sợ đến thót tim , sợ chết khiếp đi được . Dù sao thì cũng cảm ơn các bạn nhé .

  14. T là fan của Đạo Mộ Bút Ký.
    T đang tìm hứng thú để đọc sang Ma Thổi Đèn nên nhảy vào đây.
    Đọc cmt thấy nhiều bạn nói Đạo mộ ko logic, biến thái, nội dung ko hấp dẫn….bla….
    …..
    Thiết hỏi : các bạn đã đọc hết đạo mộ hay chưa?
    Đúng là Đạo mộ ko nhắc đến chuyện Tà và chú Ba vì sao để có nhiều tiền nvay?
    Nhưng cái ý biến thái và quy kết đạo mộ là đam mỹ thì quả thật ko đúng?
    Trong chuyện chưa từng có 1 chi tiết nào nhân vật nói những lời tình cảm (kiểu nam nữ) hay có những hành động vượt quá giới hạn tình cảm bằng hữu.
    Hint hay ko hint cũng là do ng đọc tưởng tượng ra mà thôi.
    Vì ng đọc yêu Bình – Tà nên nghĩ ra nvay.
    Còn t đã đọc hết cả 8 quyển và đọc sang 1 tá ngoại chuyện rốt cuộc vẫn chưa thể biết đc là vì cái gì…
    Tam Thúc chỉ đào hố thôi mà chưa lấp hố đâu bạn.
    Nếu bạn cứ đọc vài quyển đầu thì quả thực bạn chưa thể nhìn ra nổi nội dung chính là về cái gì đâu bạn?
    Nếu muốn biết bạn nên đọc trọn bộ rồi hãy phán xét truyện có hấp dẫn hay ko ạ?

Bình luận về bài viết này